Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) tiếp đại diện Trung tâm Hòa giải quốc tế Singapore (SIMC)

18 Tháng 1, 2024

Chiều ngày 16/01/2024, tại trụ sở Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC đã có buổi tiếp đón đại điện Trung tâm Hòa giải quốc tế Singapore (SIMC).

Tham dự buổi gặp mặt, về phía VIAC và VMC có LS. Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC, ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc VMC thuộc VIAC. Về phía SIMC có ông George Lim SC – Chủ tịch SIMC và ông Chuan Wee Meng – Giám đốc SIMC. Hai bên đã có cuộc trao đổi thực tiễn cũng như kinh nghiệm của SIMC trong việc phát triển sử dụng phương thức hòa giải thương mại tại SIMC nói riêng và tại Singapore nói chung.

Đại diện VIAC, LS. Vũ Ánh Dương đã chia sẻ về thực tiễn sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) tại Việt Nam. LS. Dương cho biết, số lượng các vụ việc được giải quyết bằng trọng tài và hòa giải có xu hướng gia tăng trong những năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi Luật Trọng tài thương mại 2010 và Nghị định Hòa giải thương mại năm 2017 được ban hành và có hiệu lực. Tại VIAC, thống kê số vụ tranh chấp thụ lý tại trung tâm duy trì tăng hàng năm về cả số lượng và trị giá tranh chấp. Đáng chú ý, trong năm 2023, VIAC đã tiếp nhận 425 vụ tranh chấp, tăng hơn 45% so với năm 2022. Tuy vậy, tỷ lệ các bên trong tranh chấp thương mại lựa chọn phương thức truyền thống là Tòa án để giải quyết tranh chấp vẫn chiếm đa số. LS. Dương cũng chia sẻ thêm về tôn chỉ, mục tiêu hoạt động của VIAC, theo đó, VIAC không chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp mà còn không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ADR tại Việt Nam, tăng cường nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về các lợi ích của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs), để từ đó chia sẻ gánh nặng của hệ thống Tòa án.

Tiếp nối phần trao đổi, đại diện phía SIMC đã có phần chia sẻ về thực tiễn hòa giải thương mại tại SIMC nói riêng và Singapore nói chung, cũng như vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy sử dụng ADRs. Theo đó, tại Singapore, hòa giải là phương thức chính để giải quyết tranh chấp, các bên tham gia vào tố tụng Tòa án được khuyến khích hòa giải trước khi đưa tranh chấp ra tòa. Bên cạnh sự hỗ trợ về mặt chính sách, ngoài phương thức hòa giải tại tòa án, đại diện phía SIMC cũng nhấn mạnh tính độc lập của các tổ chức hòa giải tư nhân như SIMC, được thành lập ra nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đại diện phía SIMC cũng chỉ ra hai yếu tố chính trong việc thúc đẩy sự phát triển của phương thức hòa giải, bao gồm: (1) Tăng cường xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo về hòa giải để nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp của các hòa giải viên, luật sư và người hành nghề luật thông qua hòa giải thương mại, và (2) Đảm bảo tính công nhận kết quả hòa giải thành thông qua việc gia nhập Công ước Singapore về Hòa giải 2018.

Ông Phan Trong Đạt – Quyền giám đốc VMC - bày tỏ sự nhất trí đối với ý kiến từ phía đại diện SIMC, đồng thời gợi mở về khả năng gia nhập Công ước Singapore về Hòa giải 2018. Theo đó, VMC đang nỗ lực thực hiện mục tiêu thúc đẩy việc sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải cũng như nỗ lực thuyết phục Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết Công ước.

Kết thúc buổi gặp mặt, VIAC và VMC trân trọng các chia sẻ đến từ các đại diện phía SIMC. Có thể nói, bên cạnh các khía cạnh về kinh tế và văn hóa - xã hội, hệ thống pháp luật và tư pháp của Singapore cũng có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phương thức trọng tài và hòa giải có điều kiện phát triển mạnh mẽ. VIAC và VMC luôn mong muốn hợp tác và học hỏi kinh nghiệm thành công trong việc phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hòa giải để có thể áp dụng một cách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp trên tại Việt Nam.

 

Tin mới nhất

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp