‘Mở khóa’ để kết quả hòa giải thành được tự nguyện thi hành

19 Tháng 2, 2024

Khi xung đột được hòa giải thành công

Tại Việt Nam, Nghị định 22/2017/NĐ-CP (Nghị định 22) là cơ sở pháp lý để chọn hòa giải thương mại (HGTM) giải quyết tranh chấp. Theo điều 3.1 Nghị định 22, HGTM là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ. Phương thức này có thể được chọn để giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, hoặc giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, hay thậm chí cả các tranh chấp khác miễn là pháp luật quy định được giải quyết bằng HGTM.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, HGTM có thể giúp các bên tìm ra giải pháp mang tính xây dựng và lâu dài. Hơn nữa, với tính chất phức tạp và đa dạng của tranh chấp thương mại, HGTM có thể tương thích với từng trường hợp cụ thể, giúp các bên dàn xếp được giải pháp phù hợp với nguyện vọng của đôi bên.

Bên cạnh đó, HGTM được tiến hành một cách riêng tư, giúp các bên thoải mái trao đổi ý kiến với nhau. Hơn nữa, thông tin trao đổi và thỏa thuận hòa giải thành cũng không được tiết lộ cho bên thứ ba nào, giúp giữ kín vụ việc tranh chấp, cũng như bảo vệ danh tiếng của các bên. Chi phí hòa giải thấp hơn đáng kể so với kiện tụng, cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều bên cân nhắc lựa chọn phương thức này để giải quyết tranh chấp.

Khi hòa giải thành công, các bên sẽ lập văn bản, ghi nhận nội dung đã thống nhất, có chữ ký của người đại diện có đầy đủ thẩm quyền ký kết của từng bên và hòa giải viên thương mại. Văn bản này được gọi là thỏa thuận hòa giải thành. Thỏa thuận này có hiệu lực thi hành đối với các bên theo điều 13.2 (a) và 15.1 Nghị định 22. Có thể ví thỏa thuận hòa giải thành có hiệu lực như hợp đồng và ràng buộc các bên có nghĩa vụ thực hiện.

Chìa khóa đầu tiên – lập thỏa thuận hòa giải thành hợp pháp

Về bản chất, HGTM hoạt động trên cơ chế thỏa thuận, tức kết quả hòa giải thành được các bên tạo nên từ sự đồng thuận chứ không phải từ thẩm quyền luật định. Theo Bộ luật Dân sự 2015, một thỏa thuận sẽ được các bên tự nguyện thực hiện mà không có một cơ chế đảm bảo, cưỡng chế thi hành từ phía Nhà nước. Để tăng khả năng các bên tự nguyện thực hiện, thỏa thuận hòa giải thành cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau.

Thỏa thuận hòa giải thành không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội

Nghị định 22 dường như chưa có quy định rõ về điều kiện nội dung này. Điều 4.3 Nghị định 22 nêu nguyên tắc “nội dung thỏa thuận hòa giải” không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba”. Tuy nhiên, thuật ngữ “thỏa thuận hòa giải” được định nghĩa tại điều 3.2 Nghị định 22 là “thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh bằng phương thức hòa giải”. Điều này có nghĩa, nguyên tắc tại điều 4.3 áp dụng khi các bên thỏa thuận để “lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp”. Theo logic diễn giải như trên, nguyên tắc tại điều 4.3 không đương nhiên áp dụng đối với nội dung của “thỏa thuận hòa giải thành” – kết quả đạt được sau hòa giải.

Mặc dù vậy, về bản chất, thỏa thuận hòa giải thành là một hợp đồng, nên có thể quay lại các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 để xác định khi nào thì một hợp đồng được coi là giao kết hợp pháp?

Vận dụng điều 117.1(c) Bộ luật Dân sự 2015, thấy rằng, để có hiệu lực, thỏa thuận hòa giải thành cần đáp ứng các điều kiện chung của một hợp đồng, bao gồm mục đích và nội dung của thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Như vậy, khi hòa giải, các bên có thể tự do “sáng tạo” phương án giải quyết tranh chấp, với điều kiện đôi bên phải hoàn toàn tự nguyện và không được thoát khỏi giới hạn mà luật đã đặt ra như đã nêu ở trên, để đảm bảo tính hợp pháp của thỏa thuận hòa giải thành.

Đáng chú ý, nếu thỏa thuận hòa giải thành có nội dung ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba (người không tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết tranh chấp, nhưng quyền lợi bị ảnh hưởng nếu các bên tranh chấp thực hiện thỏa thuận hòa giải thành), thì thỏa thuận đó có thể bị coi là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (điều 3.4 Bộ luật Dân sự 2015), và do vậy sẽ không đảm bảo tính hợp pháp.

Thỏa thuận hòa giải thành phải được lập thành văn bản

Theo điều 15.1 Nghị định 22, khi đạt được kết quả hòa giải thành, các bên lập văn bản ghi nhận nội dung giải quyết tranh chấp. Vậy, thỏa thuận hòa giải thành dưới hình thức điện tử có giá trị pháp lý không? Nghị định 22 chưa có câu trả lời rõ ràng.

Một cách truyền thống, văn bản được hiểu là văn bản giấy, chứa thông tin có thể là do ghi chép hoặc in ra; còn văn bản điện tử là dữ liệu điện tử được ghi nhận, lưu trữ và truyền tin bằng các phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ. Các bên trong tranh chấp thương mại thường ở khoảng cách địa lý xa nhau, nên việc trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, lập và ký thỏa thuận để giải quyết tranh chấp thường khó để thu xếp hơn. Do vậy, giải pháp thay thế chính là tận dụng môi trường trực tuyến (điện tử) để làm nền tảng trao đổi, giao dịch và giải quyết.

Theo quan điểm của người viết, nếu các bên xác lập thỏa thuận hòa giải thành dưới dạng “văn bản điện tử” thì văn bản này có thể được xem như thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản nếu thông tin chứa trong thỏa thuận có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết (điều 12 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và điều 9.1 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực từ 1-7-2024). Theo tinh thần trên, điều 119.1 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định “giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”. Thực tế, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) đã cung cấp dịch vụ hòa giải trực tuyến từ năm 2021. Trên nền tảng của VMC, hòa giải viên, các bên tranh chấp và VMC có thể tương tác trong toàn bộ quá trình hòa giải trực tuyến, đồng thời chấp nhận văn bản hòa giải thành được xác lập bằng chữ ký điện tử.

Chìa khóa thứ hai – “biết mình biết ta” và chủ động trong quá trình hòa giải

Đánh giá pháp lý toàn diện là điều bắt buộc trong mọi phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, với đặc thù của HGTM, chỉ đánh giá pháp lý thôi là chưa đủ, vì bản chất của HGTM là phụ thuộc chủ yếu vào nhân tố “con người”. Suy cho cùng thì giải pháp giải quyết tranh chấp nào mà được “con người” của đôi bên cùng chấp nhận mới là “giải pháp thành”.

Trong mọi nhân tố thì “con người” được xem là khó khăn nhất khi phải đương đầu vì dễ thay đổi và khó đoán định. Do vậy, chìa khóa giúp thực hiện kết quả hòa giải không chỉ phụ thuộc vào giai đoạn lập thỏa thuận hòa giải thành hợp pháp, mà là kết quả của quá trình phối hợp giải quyết tranh chấp của các bên ngay từ thời điểm bắt đầu.

Chính vì vậy các bên tham gia cần lưu ý:

Trước khi HGTM bắt đầu, cần đánh giá tình hình thực tế và lợi ích kỳ vọng, từ đó xác định xem hòa giải có phải là cách giải quyết phù hợp hay không. Chẳng hạn, đánh giá thiện chí của các bên, hoặc ít nhất là thiện chí của nhân sự có quyền giải quyết vấn đề là một yếu tố quan trọng, bởi bản chất xung đột là căng thẳng nhưng một trong các bên lại thiếu thiện chí giải quyết thì không thể ngồi lại thỏa thuận với nhau được. Trong khi đó, nếu các bên vẫn còn tầm nhìn chung, muốn tiếp tục hợp tác, thì hòa giải là lựa chọn tốt để giữ gìn mối quan hệ làm ăn.

Ngoài ra cũng cần đánh giá khách quan nhiều yếu tố khác như khả năng tài chính để thi hành nghĩa vụ, uy tín của đối tác trên thương trường, đội ngũ lãnh đạo và văn hóa cốt lõi, các kế hoạch hồi phục, phát triển kinh doanh…

Trong quá trình HGTM, các thỏa thuận, nội dung được bàn luận hoặc “mặc cả” cần đảm bảo tính cân bằng, có thể chấp nhận được cho các bên, tránh đẩy đến tình trạng “kéo co”, căng quá sẽ đứt, chùn quá sẽ ngã ngửa, kết cục là hòa giải đổ vỡ. Nếu các bên đều thể hiện thiện chí, cởi mở và hợp tác thì sẽ sớm đạt được giải pháp dung hòa.

Sau khi HGTM kết thúc, tránh để kết quả “nguội lạnh”. Thay vào đó, cần giữ liên lạc chặt chẽ, theo sát các cột mốc thời hạn và công việc đã thống nhất, cùng thúc đẩy nhau thực hiện thỏa thuận. Trường hợp hòa giải không thành công, các bên cần chuẩn bị nguồn lực, chứng cứ, cũng như lưu ý thời hiệu khởi kiện để kịp thời áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp khác như tòa án hay trọng tài.

(*) Cộng sự, Vision & Associates
(**) Luật sư, Công ty Luật Lawlink Việt Nam

Nguồn: Báo Kinh tế Sài Gòn

Tin mới nhất

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp