Phiên họp lần thứ 65 Nhóm Công tác về Trọng tài và Hòa giải của Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế UNCITRAL

28 Tháng 2, 2020

Đoàn công tác Việt Nam tại kỳ họp lần thứ 65 của UNCITRAL

Tháng 9 vừa qua, đại diện cho Đoàn công tác Việt Nam, cán bộ Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã sang tham dự Phiên họp lần thứ 65 Nhóm công tác về Trọng tài và Hòa giải của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế UNCITRAL diễn ra tại Viên (Áo) trong thời gian từ ngày 12 đến ngày 23 tháng 9 năm 2016. Đại diện VIAC, Trọng tài viên Nguyễn Chính đã tham gia đoàn công tác Việt Nam và có nhiều đóng góp ý kiến đại diện đoàn tại các phiên làm việc trong suốt kỳ họp. 

Trọng tài viên, luật sư Nguyễn Chính là luật sư chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm vững chắc về tư vấn luật doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, hợp đồng thương mại quốc tế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mua bán công ty, luật cạnh tranh, đại lý thương mại, lao động, đặc biệt là tư vấn pháp lý cho hoạt động hàng ngày của các doanh nghiệp. Với tư cách là trọng tài viên của VIAC, Luật sư Nguyễn Chính đã tham gia xét xử nhiều vụ việc trọng tài thương mại trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, ông cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu và đồng hành cùng VIAC trong việc đặt nền móng cho hòa giải thương mại tại Việt Nam cũng như chung tay góp sức đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực này.

Đoàn công tác Việt Nam tại phiên họp ,đại diện đều là các cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài thương mại và hòa giải thương mại, đã có nhiều đóng góp trong thảo luận xây dựng một văn kiện về công nhận và thi hành các thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được thông qua trung gian, hòa giải.

Sẽ có một văn kiện quốc tế mới về công nhận và thi hành các thỏa thuận giải quyết tranh chấp qua trung gian, hòa giải

Nội dung chính của cuộc họp và phiên thảo luận xoay quanh việc xây dựng công cụ pháp luật - có thể đi tới một Công ước hay luật Mẫu của UNCITRAL về việc công nhận và thực thi các thỏa thuận giải quyết tranh chấp chấp tế thông qua phương thức hòa giải. Cuộc họp về chủ đề nêu trên dự kiến sẽ được nêu ra trong phiên tiếp theo tại New York (Tháng 02/2017) với hy vọng đi đến một bản thảo hoàn thiện để trình Đại hội đồng.

Khung cảnh kỳ họp lần thứ 65 Nhóm công tác UNCITRAL (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Áo)

Việc thảo luận để xây dựng một công cụ pháp lý quốc tế để thi hành các thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hòa giải cho thấy một xu hướng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải đã được nhìn nhận là kênh quan trọng trong môi trường kinh doanh thương mại và đầu tư hiện tại.  Kênh giải quyết bằng hòa giải này được các thành viên nhất trí cao.

Nếu sau các phiên họp, sản phẩm công cụ pháp lý cuối cùng là một Công ước thì đây sẽ là công cụ tương đương với Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Sự kiện này sẽ góp phần tạo nền tảng tốt cho sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, cụ thể là hòa giải thương mại.

Hòa giải thương mại tại Việt Nam

Tiệm cận với trọng tài thương mại, hòa giải thương mại cũng đang đặt những nền móng đầu tiên tại Việt Nam với dự thảo nghị định hòa giải thương mại. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, VIAC đã sớm đưa phương thức giải quyết tranh chấp này vào hoạt động của trung tâm với Quy tắc Hòa giải của VIAC và quy trình, biểu phí hòa giải quy chuẩn quốc tế.

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp có sự thiện chí cao nhất từ các bên tham gia hòa giải. Đây là phương thức có sự tham gia của người thứ ba là bên trung lập nhưng hạn chế tối đa sự can thiệp của bên thứ ba vào kết quả giải quyết tranh chấp giữa các bên. Các bên có toàn quyền quyết định. Hòa giải không nhằm phân định ai đúng ai sai trên cơ sở các bằng chứng và quyền, nghĩa vụ pháp lý để ra phán quyết như trọng tài hay tòa án, hòa giải viên cũng không đưa ra các giải pháp mà chỉ giúp các bên thương lượng tìm được lợi ích chung, hướng đến giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận và tự nguyện tuân thủ.

Tại Việt Nam, VIAC cũng là đơn vị tiên phong và đóng góp nhiều trong Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về Hòa giải thương mại. Có thể thấy được, nếu nghị định hòa giải thương mại được thông qua, cùng với việc ra đời một công cụ pháp lý quốc tế hỗ trợ mới như nêu trên thì với những ưu điểm của mình – tương tự và mở rộng hơn so với trọng tài thương mại, hòa giải thương mại được đặt trong triển vọng phát triển, trở nên phổ biến hơn và nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. 

Tin mới nhất

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp