Nâng cao hệ thống pháp luật về Hòa giải thương mại: Xây dựng luật Hòa giải thương mại là điều tất yếu

23 Tháng 3, 2023

Trong bối cảnh phương thức Hòa giải thương mại đang phát triển nhanh chóng, một số chuyên gia kiến nghị, cần nghiên cứu, xây dựng Luật Hòa giải thương mại với các nội dung mở rộng hơn, theo mô hình Luật mẫu UNCITRAL nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc hiện nay của Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Tranh chấp thương mại là một hiện tượng tất yếu khách quan của nền kinh tế thị trường, các chuyên gia lưu ý, do tính chất thường xuyên cũng như hậu quả gây ra cho các chủ thể tham gia tranh chấp nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung, pháp luật Việt Nam cũng đã sớm có những quan tâm nhất định đến hoạt động này cũng như các phương thức giải quyết. Hiện nay, tại Việt Nam tồn tại 4 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm: Thương lượng, Hòa giải, Trọng Tài, Tòa án.
 
Phương thức hòa giải mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều ưu điểm có thể kể đến như: tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên tranh chấp, tính bảo mật, sự tự quyết của các bên, đặc biệt là giữ được mối quan hệ với đối tác. Đặc biệt, khi lựa chọn phương thức hòa giải, nếu các bên không hòa giải thành, các bên hoàn toàn có thể lựa chọn đưa tranh chấp ra các bước tố tụng tiếp theo như tòa án hay trọng tài. Hiện này hành lang pháp lý cho phương thức hòa giải thương mại đã khá đầy đủ, Chính Phủ đã ban hành Nghị Định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại quy định chi tiết về nguyên tắc hòa giải, trình tự thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, thành lập và hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại. Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã rất chú trọng đến hòa giải khi dành riêng một chương XXXIII quy định Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Cho đến nay phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý đến đúng với tiềm năng phát triển của nó. Lý do là các thông tin về hòa giải còn hạn chế, các doanh nghiệp không có một cái nhìn toàn diện và cho rằng hòa giải không có quy định và cơ chế ràng buộc thi hành đối với các bên.
 
Một số bất cập trong pháp luật về Hòa giải thương mại
Tuy đã có một hành lang pháp lý khá đầy đủ, tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Việt Nam về Hòa giải thương mại vẫn cần được nâng cấp để tăng tính hiệu quả cũng như nâng cao tính pháp lý cho kết quả hòa giải. Tại buổi Hội thảo khoa học “Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại – Thực trạng và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức vào sáng 26/8/2022, bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế chỉ rõ, việc văn bản pháp luật có hiệu lực trực tiếp nhất về hòa giải mới chỉ là Nghị định khiến hiệu quả triển khai hoạt động hòa giải thương mại vẫn còn hạn chế, đặc biệt là khái niệm thương mại trong Luật Thương mại còn khá hẹp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế dẫn đến phạm vi các tranh chấp được sử dụng cơ chế hòa giải thương mại bị bó hẹp. Bên cạnh đó, Nghị định 22/2017/NĐ-CP vẫn còn thiếu vắng những quy định cụ thể hóa một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của hòa giải viên là nghĩa vụ bảo mật thông tin; thiếu vắng các quy định về hòa giải thương mại trực tuyến; quy định về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên thương mại, cơ sở đào tạo về hòa giải thương mại.

 

Ảnh: Hội thảo khoa học “Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại – Thực trạng và kiến nghị”

(Nguồn: quochoi.vn)

Kiến nghị xây dựng, nâng cao hệ thống pháp luật về Hòa giải thương mại

Với những tồn đọng đã phân tích trên, bà Nguyễn Thị Minh Huệ kiến nghị, cần nghiên cứu, xây dựng Luật Hòa giải thương mại với các nội dung mở rộng hơn, theo mô hình Luật mẫu UNCITRAL nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc hiện nay của Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Thương mại 2005 theo hướng mở rộng khái niệm “hoạt động thương mại” phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của hòa giải thương mại.
 
Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Huệ trên cơ sở nghiên cứu các nội dung Quy tắc hòa giải mẫu của UNCITRAL, xem xét ban hành Quy tắc hòa giải mẫu cho các trung tâm hòa giải thương mại hoặc trung tâm trọng tài có chức năng hòa giải thương mại với sự chọn lọc phù hợp với bối cảnh và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
 
Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Nguyễn Hưng Quang đã phát biểu tại Hội thảo rằng, cần nghiên cứu, tổng kết hoạt động hòa giải thương mại theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP để có thể xây dựng Luật Hòa giải thương mại, trong đó có bao gồm các vấn đề đang được quy định Bộ  luật Tố tụng dân sự 2015 và các luật khác, như thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự với thời gian giải quyết hòa giải ngoài Tòa án;…
 
Luật sư Nguyễn Hưng Quang cũng đề nghị, cần nghiên cứu các biện pháp thi hành án để bảo đảm các thỏa thuận hòa giải thành được thực thi nghiêm túc và nhanh chóng khi các bên có yêu cầu, bao gồm nghiên cứu thủ tục nộp đơn đề nghị, thông báo, thanh toán trong hoạt động thi hành án bằng biện pháp trực tuyến để thúc đẩy hoạt động hòa giải nói chugn và hoạt động hòa giải trên môi trường điện tử; Nghiên cứu tham gia Công ước Singapore về hòa giải để việc thi hành thỏa thuận hòa giải thành đối với các tranh chấp quốc tế được thuận tiện, nhanh chóng.
 
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, để có thể cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế bằng hòa giải cần được củng cố và thúc đẩy phát triển. Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp luật và chính sách quốc gia đối với hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại nói riêng (trong đó có hoạt động hòa giải), đồng thời cần có các biện pháp về tài chính, chính sách để khuyến khích cho các hoạt động hòa giải thương mại ở Việt Nam.
 

Tin mới nhất

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp