Giới thiệu Sổ tay Hòa giải viên

17 Tháng 3, 2020
 

SỔ TAY HÒA GIẢI VIÊN

Cuốn Sổ tay Hòa giải viên này được biên soạn bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Trung tâm giải quyết tranh chấp hiệu quả (CEDR) nhằm cung cấp một tập hợp các khuyến nghị về các thực tiễn hòa giải tốt nhất chủ yếu dành cho các hòa giải viên thương mại. Cuốn sách được xây dựng nhằm chuẩn bị cho Khóa đào tạo kỹ năng hòa giải viên do IFC và CEDR cung cấp cho các khách hàng của IFC, với sự điều chỉnh phù hợp với từng quốc gia nơi khóa đào tạo được tổ chức.

Tại Việt Nam, cuốn sách được đưa vào là một phần tài liệu phục vụ cho các Khóa đào tạo Hòa giải viên do IFC và CEDR tổ chức với sự hỗ trợ của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC. Cuốn sách được sử dụng với mục đích hỗ trợ cho việc nghiên cứu và thực tập của học viên thông qua phần thực hành và nhận xét phản hồi, và cũng giúp những người đã có kiến thức và kinh nghiệm nền tảng về hòa giải ôn lại kiến thức hữu ích về hòa giải. Đọc lại cuốn Sổ tay này sau khóa học sẽ giúp các học viên củng cố kiến thức về vai trò và các kỹ năng của hòa giải viên cũng như về quy trình hòa giải. Các hòa giải viên đang hành nghề hoặc những người sẽ trở thành hòa giải viên trong tương lai cũng có thể tham khảo cuốn Sổ tay. Tuy nhiên cuốn sách này không nhằm mục đích thay thế hoàn toàn cho một khóa đào tạo kỹ năng thực hành trực tiếp.

Nhóm Ngân hàng thế giới với việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế (ADR)

Từ năm 2004, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã đi tiên phong trong việc thiết lập chương trình giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) mang tính thương mại ở các thị trường mới nổi. Mục tiêu chính của các chương trình ADR của IFC là giúp xây dựng thể chế cho các trung tâm hòa giải tư nhân, hòa giải tại tòa án và hòa giải gắn với tòa án cũng như các hình thức ADR khác nhằm giải quyết tranh chấp thương mại nhanh chóng hơn và đạt hiệu quả cao hơn về chi phí, tăng cường tiếp cận công lý cho doanh nghiệp. Nhóm Ngân hàng Thế giới hướng đến mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật cho các chính phủ và khu vực tư nhân của các nước trên toàn cầu thiết lập cơ chế hòa giải thương mại có hiệ quả.

Nhóm Ngân hàng Thế giới, thông qua Chương trình Xử lý nợ & Phá sản, tiếp tục hỗ trợ áp dụng ADR thông qua việc hoàn thiện khung khổ luật pháp và xây dựng các hệ thống tư pháp hiệu quả thông qua hoạt động nâng cao năng lực áp dụng ADR tại các tòa án. Các thực tiễn mới tốt nhất về ADR được giới thiệu thông qua việc hỗ trợ thành lập hoặc hiện đại hóa các trung tâm hòa giải thương mại và chuyên nghiệp hóa ngành hòa giải bằng việc chuyển giao các kỹ năng và bí quyết cho những người hành nghề hòa giải. Các dự án ADR của Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng bao gồm các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức toàn diện để cung cấp thông tin và kiến thức cho những người sử dụng các quy trình ADR như một công cụ mới sẵn có cho giải quyết tranh chấp, những lợi ích và cách thức sử dụng các quy trình này.

Các sáng kiến đã thành công ở khu vực Balkan, Pakistan, Ai Cập, Ma rốc, Liberia, Băng-la-đét, Papua New Guinea, Tonga, Vanuatu và các quốc gia khác được hỗ trợ bởi Nhóm Ngân hàng Thế giới đều có một cấu phần quan trọng về đào tạo kỹ năng hòa giải viên nhằm nâng cao nhận thức về ADR cũng như năng lực cung cấp các dịch vụ ADR. Chỉ tính riêng ở Ai Cập, đến năm 2017, sáng kiến của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã hoàn thành việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho 68 hòa giải viên, thẩm phán và những người hành nghề tư nhân, và từ kết quả đó, hơn 1.814 vụ tranh chấp thương mại đã được chuyển sang hòa giải. Ở Ma rốc, từ năm 2010 đến 2013, chương trình ADR của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho 67 hòa giải viên thương mại, 2.124 vụ tranh chấp đã được chuyển sang hòa giải tại các trung tâm hòa giải tư nhân, trong số đó, 1.729 vụ việc đã được hòa giải thành công. Gần đây, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ phát triển hòa giải thương mại ở Việt Nam, cụ thể là, hỗ trợ khu vực công ban hành các văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến các vấn đề về thủ tục và thực thi kết quả hòa giải thành của hòa giải thương mại, đồng thời hỗ trợ khu vực tư nhân trong việc ban hành các bộ quy tắc hòa giải và đào tạo kỹ năng thực hành cho 71 hòa giải viên mới, và theo đó lựa chọn 12 hòa giải viên để trở thành giảng viên của các khóa hòa giải viên sau này. Có thể khẳng định rằng hoạt động nâng cao năng lực là một trong những bước cơ bản để tạo động lực phát triển và Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tích cực làm việc cùng với các hòa giải viên đã được đào tạo để tiến hành hòa giải các vụ việc, xây dựng các trung tâm hòa giải, và phát triển họ trở thành nguồn giảng viên để đào tạo cho những người khác trong tương lai.

Phiên bản này của cuốn Sổ tay đã được sử dụng trong các khóa đào tạo kỹ năng hòa giải cho các thẩm phán và / hoặc những người hành nghề tư nhân ở Ai Cập, Ma rốc, Li băng và Việt Nam với một số chỉnh sửa và cập nhật. Ở Ai Cập, cuốn Sổ tay này cũng đã được cập nhật để đề cập vấn đề mất cân bằng quyền lực liên quan đến giới mà có khả năng phát sinh trong quá trình hòa giải giữa các bên, nhưng vấn đề đó không được đưa vào phiên bản này của cuốn Sổ tay.


Về IFC:

IFC, tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới và thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là định chế phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi hỗ trợ hơn 2,000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới bằng năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở những nơi cần nhất. Trong năm tài chính 2019, tổng đầu tư dài hạn của chúng tôi tại các nước đang phát triển đạt trên 19 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, mời truy cập: www.ifc.org

Về CEDR:

Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Hiệu quả (CEDR) là tổ chức chuyên về lĩnh vực hòa giải và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế - không thông qua thủ tục tố tụng tại Tòa án (ADR). Chúng tôi đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận và thực hiện các hoạt động vì cộng đồng. Sứ mệnh của CEDR là cung cấp kỹ năng và giải pháp đối thoại hiệu quả, nhằm mang lại sự thay đổi bền vững cho xã hội. Để biết thêm thông tin chi tiết, mời truy cập trang web: https://www.cedr.com/aboutus/

Nguồn gốc:

Cuốn Sổ tay này được xây dựng dựa trên cuốn Sổ tay Hòa giải viên (2012) do Trung tâm Giải quyết tranh chấp hiệu quả (CEDR) biên soạn.

Theo Trang thông tin điện tử Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank)

Tin mới nhất

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp