Thỏa thuận hòa giải

03/15/2021

Những đặc điểm chính của thỏa thuận hòa giải

Có thể định nghĩa thỏa thuận hòa giải là văn bản mà tại đó các bên trong một quan hệ pháp lý, cho dù có hợp đồng hay ngoài hợp đồng, đồng ý giải quyết bằng hoà giải các tranh chấp đã xảy ra hoặc có thể xảy ra giữa họ, không phụ thuộc nó được đề cập trong một tài liệu mà hai bên ký kết hay được đưa ra trong trao đổi thư tín hoặc bất kỳ phương tiện trao đổi thông tin bằng văn bản nào có thể được công nhận là chứng cứ.

Tranh chấp sẽ được giải quyết bằng hòa giải nếu các bên có thỏa thuận hòa giải bằng văn bản. Các bên có thể đồng ý giải quyết tranh chấp trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh, hoặc vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình tranh chấp (Khoản 2 Điều 3, Điều 6 và Điều 11 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Ở nhiều nước trên thế giới, việc cân nhắc và tiến hành hòa giải là những bước bắt buộc trước khi khởi kiện hoặc được Thẩm phán xét xử. Trong bối cảnh Việt Nam, các bên tranh chấp tham gia hòa giải theo cách thức hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ (Khoản 1 Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Hòa giải tại Tòa án có thể là một bước bắt buộc trong quy trình tố tụng. Tuy nhiên, theo Điều 206 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), tranh chấp liên quan đến (i) yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; và (ii) những vụ tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội không phải là đối tượng hòa giải tại Tòa án.

Thỏa thuận hòa giải thành

Thoả thuận hoà giải thành (hoặc “kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”, theo ngôn ngữ của BLTTDS 2015) được định nghĩa là văn bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, toàn bộ hoặc một phần, do hòa giải viên tiến hành theo quy định của pháp luật.

Một hoặc cả hai bên có thể yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận hoà giải thành đạt được từ quá trình hòa giải trong trường hợp Tòa án hiện không thụ lý giải quyết vụ tranh chấp đó (Khoản 3 Điều 417 BLTTDS 2015 và Điều 16 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Việc công nhận của Toà án cho phép thoả thuận hoà giải thành có khả năng được thi hành theo quy định của luật thi hành án dân sự (Khoản 9 Điều 419 BLTTDS 2015). Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thực hiện theo quy định tại chương XXXIII BLTTDS 2015 (Điều 416 – 419 BLTTDS 2015).

Thẩm phán thụ lý đơn xin công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án phải xử lý đơn yêu cầu theo Điều 363 – 365 BLTTDS 2015 (Khoản 1 Điều 419 BLTTDS 2015). Phiên họp xét đơn phải được tiến hành phù hợp với Điều 367 – 369 BLTTDS 2015 (Khoản 4 Điều 419 BLTTDS 2015). Việc thoả thuận hoà giải thành có được công nhận hay không cũng không ảnh hưởng đến nội dung và hiệu lực của kết quả hòa giải ngoài Tòa án (Khoản 6 Điều 419 BLTTDS 2015). Tuy nhiên, nếu Thẩm phán thấy rằng thỏa thuận hoà giải thành không tuân thủ một hoặc các căn cứ để công nhận quy định tại Điều 417 BLTTDS 2015, thì Thẩm phán sẽ không công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án. Các tiêu chí công nhận kết quả hòa giải vụ tranh chấp ngoài Tòa án tại Điều 417 BLTTDS 2015 gồm:

  1. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
  2. Các bên tham gia thỏa thuận có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Nếu nội dung thỏa thuận được hòa giải liên quan đến quyền, nghĩa vụ của bên thứ ba, thì phải có sự đồng ý của bên thứ ba đó;
  3. Một hoặc cả hai bên nộp đơn yêu cầu Tòa án công nhận;
  4. Nội dung thỏa thuận hòa giải hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội, hoặc không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hay với bên thứ ba.

Lưu ý

Trong thương mại, có thể xảy ra trường hợp người đại diện không có đầy đủ thẩm quyền ký kết thỏa thuận hòa giải hoặc kết quả hòa giải ngoài Tòa án; hoặc khi thương lượng không thiện chí dẫn tới chấp nhận một cách sai lầm do hiểu lầm về một yếu tố cơ bản như chất lượng hàng hóa hoặc giá trị của một công ty xuất phát từ việc mô tả sai về việc mua bán, cơ sở khách hàng hoặc kênh phân phối.

Nếu không có sai sót về sự thoả thuận của các bên, Thẩm phán phải tôn trọng nguyên tắc tự do tự nguyện thoả thuận trong luật dân sự. Ví dụ, một gia đình vận hành một công ty sợi thủ công và nhà phân phối tranh chấp với nhau về phân chia lợi nhuận dựa trên những cách giải thích hợp đồng khác nhau và một lỗi vô ý về kế toán của nhà phân phối. Hợp đồng quy định rằng hậu quả của việc không tuân thủ hợp đồng là chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, họ đã duy trì quan hệ thương mại tốt, mang lại lợi nhuận trong nhiều năm. Ngoài ra, nếu nhà phân phối thanh toán cho nhà sản xuất thì sẽ phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng về dòng tiền mặt. Các bên nhận thấy mình trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan và lựa chọn hòa giải để tìm ra giải pháp phù hợp với các bên. Với sự hỗ trợ của hoà giải viên, các bên đồng ý các điều khoản sau: hợp đồng được gia hạn thêm ba năm nữa và số tiền thanh toán vượt quá sẽ được hoàn trả dần dần cho công ty sợi, cộng với lãi. Thêm vào đó, các bên thỏa thuận một thủ tục có tính chất phòng ngừa để bảo đảm sai sót không lặp lại và đưa điều khoản hòa giải vào trong hợp đồng được gia hạn. Vì đây là một hợp đồng hợp pháp, có giá trị ràng buộc, không có căn cứ nào để Thẩm phán thi hành hợp đồng gốc ngay cả khi một bên tìm cách thi hành hợp đồng gốc trong một thủ tục tố tụng khác.

Trong trường hợp hòa giải không thành công, các bên được quyền yêu cầu trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp của họ theo quy định của pháp luật (Khoản 4 Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).

Related Post

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp