Khái quát về Hòa giải thương mại

02/13/2020

Hòa giải thương mại là gì?

Về bản chất, hòa giải thương mại (Conciliation, Reconciliation, Mediation) là quá trình các bên đàm phán với nhau về việc giải quyết tranh chấp với sự trợ giúp của một bên thứ ba (còn gọi là Hòa giải viên). Hòa giải có khá nhiều điểm tương đồng với phương thức thương lượng, điểm khác biệt là trong thương lượng không có sự có mặt của bên thứ ba thực hiện việc điều tiết quá trình thương lượng. Ngoài ra, khác với trọng tài, hòa giải viên tham gia vào quy trình hòa giải không có quyền xét xử và ra phán quyết cuối cùng mà chỉ có nghĩa vụ giúp các bên tiến hành hòa giải theo một trình tự nhất định, giúp đảm bảo tiến trình hòa giải diễn ra đúng hướng.

Ưu điểm của Hòa giải

  • Thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn không gò bó và tiết kiệm được thời gian.
  • Các bên có quyền tự định đoạt, lựa chọn bất kỳ người nào làm trung gian hòa giải cũng như địa điểm tiến hành hòa giải do đó có thể tìm một trung gian hòa giải có hiểu biết chuyên môn về vấn đề đang tranh chấp;
  • Hòa giải mang tính thân thiện nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các mối quan hệ kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên nên nhìn chung ít gây hại đến quan hệ hợp tác vốn có của các bên;
  • Có thể giữ được bí mật kinh doanh và vấn đề tranh chấp

Khuôn khổ pháp luật trong nước về hòa giải và các quy định khác

Pháp luật hòa giải của Việt Nam bao gồm những nguồn sau:

  • Chương XXXIII quy định về Thủ tục Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án, Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại;
  • Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12, được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13.

Bên cạnh đó, Luật mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại quốc tế (2002) pháp điển hóa các nguyên tắc được quốc tế công nhận về thực tiễn tốt nhất trong việc giải quyết tranh chấp ôn hòa. Tinh thần của Luật mẫu là hài hòa hóa luật pháp toàn cầu về hòa giải, khuyến khích thực hiện quyền tự do tự nguyện thoả thuận của các bên và tính chung thẩm của hòa giải, đồng thời hạn chế sự can thiệp của Tòa án. Luật mẫu bản thân nó không phải là văn bản pháp luật, mà là hình mẫu để các quốc gia muốn ban hành luật pháp về giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải có thể dễ dàng tiếp cận và tham khảo.

Tổng quan về quy trình hòa giải

Một nguyên tắc cơ bản của hòa giải là tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên. Hòa giải viên được lựa chọn trực tiếp hoặc qua nhà cung cấp dịch vụ theo thỏa thuận chung của các bên (Điều 12 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Hòa giải viên khuyến khích các bên tham gia trực tiếp vào quá trình hoà giải và thực hiện quyền quyết định của họ về quy trình tiến hành hoà giải cũng như kết quả của nó (Điều 14, Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Khác với trọng tài viên, hòa giải viên không thể giải quyết tranh chấp. Thay vào đó, hòa giải viên tạo điều kiện cho quá trình thương lượng giữa các bên để tự họ có thể tìm ra giải pháp. Hòa giải viên có thể cùng các bên đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp (Khoản 3 Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Một bên có thể dừng, rút khỏi hoặc chấm dứt quy trình hòa giải vào bất kỳ lúc nào (Điểm b Khoản 1 Điều 13 và Khoản 3 Điều 17 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).

Hoà giải viên xử lý cả vấn đề tình tiết và vấn đề pháp lý, nhưng “luật” không phải là trọng tâm của quy trình hòa giải. Hòa giải không phải là việc quyết định ai đúng ai sai, người nào có lỗi, tuyên bố ai thắng ai thua mà là nhìn vào tương lai. Trọng tâm không phải là ai nói gì, làm gì trong quá khứ. Thay vào đó, mục đích của nó là tìm ra một giải pháp thực tiễn có thể chấp nhận được với bất kỳ ai liên quan, có tính đến những lợi ích khác nhau, lợi ích pháp lý cũng như các lợi ích khác (ví dụ, để bảo toàn quan hệ hay danh dự hoặc tìm ra ranh giới cạnh tranh trên thương trường v.v.). Hòa giải viên phải là người có năng lực quản lý việc trao đổi thông tin và đàm phán giữa các bên. Họ đóng vai trò như tác nhân xúc tác đưa các bên tranh chấp gần lại với nhau thông qua cách thức tiếp cận có tính chất gợi mở và mở ra con đường mới cho những đối thoại mang tính chất xây dựng, thoát khỏi những ngõ cụt trong quá trình thương lượng. Hòa giải viên có thể hỗ trợ theo những cách thức như:

  • Đưa những con người thích hợp xích lại gần nhau;
  • Tạo ra một môi trường có tính chất hỗ trợ cho các bên;
  • Giúp cho những người tham gia hiểu được quan điểm của nhau;
  • Giúp các bên tập trung giải quyết tranh chấp và tránh những cuộc trao đổi qua lại có tính chất tiêu cực;
  • Làm rõ những điểm chưa rõ ràng hoặc hiểu lầm trong quá trình thảo luận;
  • Quản lý việc trao đổi để bảo đảm chúng công bằng;
  • Thu hẹp khoảng cách trong những vấn đề liên quan;
  • Quản lý quá trình thương lượng giữa các bên, giúp các bên quyết định xem liệu giải pháp được đưa ra có thực tiễn không;
  • Hỗ trợ các đương sự đạt được thỏa thuận thích hợp cuối cùng.

Các bên tranh chấp thường lựa chọn hòa giải vì hai lý do chính. Thứ nhất, họ muốn tránh tốn kém về chi phí và thời gian liên quan đến tố tụng; khởi kiện tại Tòa án có thể gây khó khăn nghiêm trọng về tài chính cho một trong hai bên, nếu không nói cả hai, dưới góc độ danh tiếng kinh doanh, uy tín và tiếp cận tín dụng. Thứ hai, đương sự có thể ưu tiên lợi ích khác hơn so với các lợi ích pháp lý.

Một nguyên tắc quan trọng khác của hòa giải là tôn trọng tính bảo mật (Khoản 2 Điều 4, Điểm c Khoản 2 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Quy trình hòa giải được bảo mật bởi vì mục tiêu đặt ra là ai cũng có thể phát biểu một cách thoải mái. Hồ sơ chính thức sẽ không được lập. Thông tin hoặc tuyên bố đưa ra trong quá trình hòa giải không được công nhận là chứng cứ trong bất kỳ quy trình tố tụng nào sau này. Hòa giải không ảnh hưởng đến quyền pháp lý của các bên trong những thủ tục tố tụng sau này, ví dụ như trong tố tụng trọng tài hay tố tụng tại Tòa án. Việc vi phạm tính bảo mật trong hòa giải sau khi có thỏa thuận hoà giải thành không mang lại cho bên bị thiệt hại quyền hủy hợp đồng. Thay vào đó, đương sự có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường hiệt hại phát sinh từ việc thông tin bị tiết lộ bất hợp pháp.

Related Post

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp