Quy tắc đạo đức và nghề nghiệp hòa giải viên

05 Tháng 2, 2020

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy tắc Đạo đức và Nghề nghiệp Hòa giải viên (“Quy tắc”) được áp dụng với Hòa giải viên tiến hành hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam (sau đây gọi là “Trung tâm”).

Điều 2: Tôn trọng quyền tự quyết của các bên

1. Hòa giải viên phải tôn trọng quyền tự quyết của các bên. Các bên được tự do đưa ra các quyết định một cách tự nguyện, không bị ép buộc về bất cứ nội dung nào trong vụ tranh chấp tại bất kỳ thời điểm nào của thủ tục hòa giải.

2. Hòa giải viên không được tư vấn pháp lý hay chuyên môn cho các bên. Tuy nhiên, Hòa giải viên có thể đề xuất các bên tham vấn thêm ý kiến pháp lý hoặc chuyên môn từ bên ngoài.

Điều 3: Năng lực

Hòa giải viên cần bảo đảm rằng mình có đầy đủ năng lực và hiểu biết về thủ tục hòa giải cũng như nội dung vụ tranh chấp để có thể tiến hành hòa giải một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Điều 4: Độc lập và vô tư

1. Hòa giải viên phải độc lập, vô tư và đối xử với các bên một cách bình đẳng trong thủ tục hòa giải.

2. Trừ khi các bên cùng đồng ý rõ ràng bằng văn bản sau khi Hòa giải viên công khai thông tin một cách đầy đủ, Hòa giải viên không được hành xử như luật sư của bất cứ bên nào trong thủ tục Hòa giải. Trong toàn bộ thủ tục hòa giải, Hòa giải viên luôn phải độc lập, vô tư, không có bất cứ lợi ích cá nhân nào và không có bất cứ xung đột lợi ích nào đối với các bên của thủ tục hòa giải.

3. Tại bất cứ thời điểm nào trong thủ tục hòa giải, nếu Hòa giải viên tin rằng mình không thể tiến hành hòa giải một cách độc lập và vô tư, Hòa giải viên phải từ chối làm Hòa giải viên và thông báo cho các bên biết.

Điều 5: Xung đột lợi ích

1. Trước khi chấp nhận làm hòa giải viên, người được chọn hoặc chỉ định làm hòa giải viên phải công khai kịp thời bằng văn bản về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của mình hoặc về việc không phù hợp với yêu cầu mà các bên thỏa thuận (nếu có); và phải từ chối làm Hòa giải viên, trừ khi các bên có văn bản đồng ý vẫn chọn hòa giải viên đó.

2. Một số trường hợp có thể gây nghi ngờ về tính độc lập và vô tư của Hòa giải viên bao gồm: 

(i) Bất cứ mối quan hệ cá nhân hoặc thương mại nào với một hoặc nhiều bên;

(ii) Bất cứ lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ bất kỳ bên nào hoặc từ kết quả của thủ tục hòa giải;

(iii) Hòa giải viên, hoặc một thành viên của công ty của mình, đã tham gia bất kỳ vai trò nào khác vai trò hòa giải viên cho một hoặc các bên.

3. Trong suốt thủ tục hòa giải, Hòa giải viên không được tham gia vào các mối quan hệ tài chính, kinh doanh, nghề nghiệp, gia đình hoặc xã hội với một hoặc các bên của thủ tục hòa giải hoặc có được lợi ích từ bất cứ bên nào của thủ tục hòa giải, trừ trường hợp các bên đồng ý bằng văn bản sau khi Hòa giải viên công khai đầy đủ cho các bên về việc này.

Điều 6: Bảo mật

1. Hòa giải viên cần thông báo tới các bên và những người khác tham gia vào các phiên hòa giải về tính chất bảo mật của thủ tục hòa giải;

2. Hòa giải viên, các bên và những người khác tham gia vào thủ tục hòa giải phải giữ bí mật và không tiết lộ cho bất cứ bên nào khác về bất cứ thông tin, tài liệu, trao đổi có được từ thủ tục hòa giải, ngoại trừ các trường hợp:

(i) Các bên trong tranh chấp đã đồng ý bằng văn bản; và

(ii) Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo quy định bắt buộc của luật;

3. Hòa giải viên có nghĩa vụ bảo mật các thông tin có được từ thủ tục hòa giải.

Điều 7: Thù lao

Khi chấp nhận làm Hòa giải viên, Hòa giải viên được coi là đồng ý với quy định trả thù lao Hòa giải viên của Trung tâm. Hòa giải viên không được phép thỏa thuận với bất kỳ bên nào hoặc luật sư của bất kỳ bên nào về thù lao và các ưu đãi hay chi phí bổ sung.

Điều 8: Tiến hành hòa giải

1. Hòa giải viên cần nỗ lực và mẫn cán nghiên cứu hồ sơ, tài liệu mà các bên nộp tới Trung tâm trước khi bắt đầu các phiên hòa giải để đảm bảo tiến hành phiên hòa giải hiệu quả.

2. Hòa giải viên tiến hành các phiên hòa giải theo cách thức nhằm bảo đảm các bên được tạo cơ hội tham gia đầy đủ vào tiến trình hòa giải và khuyến khích các bên tôn trọng lẫn nhau.

Điều 9: Giới thiệu về chuyên môn

Hòa giải viên có thể giới thiệu về chuyên môn của mình với điều kiện không được đưa ra lời bảo đảm việc hòa giải thành công hoặc hứa hẹn một kết quả cụ thể nào; và đưa ra các thông tin chính xác về trình độ học vấn, kiến thức, các kỹ năng và kinh nghiệm hòa giải của mình.

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp